Tận dụng rơm rạ để cải tạo đất vườn

Tận dụng rơm rạ để cải tạo đất vườn. Đa số chúng ta nghĩ rơm rạ là vật bỏ đi. Trong khi đó nước ngoài qua tận nước ta thu gom và mua lại. Thậm chí họ còn ký kết, đặt hàng trước với số lượng lớn và giá cả cũng tương đối hấp dẫn. Chính vì thế, nông dân sẵn sàng bán rơm rạ để lấy tiền đầu tư phân thuốc hóa học.

Tận dụng rơm rạ để cải tạo đất vườn. Ở tận nước Nhật xa xôi, còn làm hẳn “cuộc cách mạng một cọng rơm” và lan rộng ra nhiều nước. Ở Việt Nam “cuộc cách mạng một cọng rơm” cũng được các bạn trẻ tiếp nhận một cách tích cực.

Hơn thế nữa, nhiều vùng ở miền tây phân từ rơm rạ còn được dùng để trồng hoa và được xem là vật liệu không thể thay thế. Đối với các vườn cây ăn trái, vườn tiêu, hoa màu cũng được sử dụng rất phổ biến ở nước ta. Theo đánh giá của đại đa số thì hiệu quả từ rơm mang lại là rất lớn. Gần đây, có bạn còn phản hồi với mình ‘tủ gốc bằng rơm rạ rễ mọc ra nhiều hơn so với tủ cỏ nhưng họ không biết lý do’.

Qua đó có thể thấy, rơm rạ hoàn toàn không phải là vật liệu bỏ đi. Mà rơm rạ là một trong những giải pháp bền vững được ứng dụng trong nông nghiệp. Do đó, chúng ta cần tận dụng rơm rạ để cải tạo đất vườn.

Phytolith trong rơm rạ.

Gần đây, nguyên tố Si được các nhà nhà khoa học công nhận là nguyên tố dinh dưỡng thứ 17 có vai trò quan trọng đối với đất và cây trồng. Trong rơm rạ chứa cũng chứa một lượng Si đáng kể, tồn tại ở dạng Phytolith.

Phytolith là một dạng cấu trúc đặc biệt được hình thành trong thực vật thông qua quá trình kết tủa nguyên tố silic (Si) trên các thành vách tế bào.

Qua các phân tích: cùng với một số nguyên tố khoáng quan trọng như phốt pho và kali, phytolith có thể tích lũy với một lượng rất lớn trong rơm rạ (10 – 15%). Sau khi hoàn trả trở lại môi trường đất, phytolith có thể tham gia vào các quá trình phản ứng hóa học trong đất nhờ một bề mặt có hoạt tính cao.

Bên cạnh đó, một phần đáng kể của phytolith có thể hòa tan trong thời gian ngắn và nhanh chóng đáp ứng nhu cầu về Si của cây trồng. Ngoài ra Si có khả năng tạo phức với Al3+ và Fe3+, góp phần giảm độ độc do 2 nguyên tố này gây nên. Góp phần cải thiện pH cũng như giúp hệ rễ phát triển tốt hơn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy phytolith là dạng oxit silic vô định hình chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng quan trọng. Dựa vào đặc tính này, chúng ta có thể dự đoán khả năng dự trữ dinh dưỡng của rơm rạ đã được phân hủy. Hàm lượng trung bình phytolith trong các mẫu đất là 1,33 ± 0,54% và có thể bị suy hao do hòa tan và rửa trôi. Nghiên cứu này bước đầu cho biết về sự hiện diện của phytolith trong đất cũng như con đường tích lũy, chuyển hóa của nó. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của phytolith đối với đặc tính lý hóa học của đất và đối với năng suất cây trồng cần được đầu tư nghiên cứu chi tiết hơn.

Kali trong rơm rạ

Hằng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu kali để sản xuất phân bón hóa học. Trong khi rơm rạ, nguồn “tài nguyên” chứa một lượng kali đáng kể lại bị bỏ phí một cách đáng tiếc.

Gần đây, có công trình nghiên cứu “mỏ kali trong rơm rạ” của một nhóm nghiên cứu ở Việt Nam được đăng tải trên tạp chí quốc tế và được đánh giá rất cao. Nghiên cứu cũng nhắm tới việc sản xuất kali từ rơm rạ. Cây lúa hút thu một lượng đáng kể nguyên tố kali trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Lượng kali hút thu có thể được tích lũy trong các mô bào thân cây và lá lúa và sau khi thu hoạch thì kali nằm chủ yếu trong phần rơm rạ. Tuy nhiên, hiện có rất ít thông tin nghiên cứu về dạng tồn tại cũng như khả năng tái sử dụng lượng kali này.

Dựa trên kỹ thuật phân tích chụp cắt lớp tia X và đồ họa 3D được xử lý trên phần mềm YaDiV có thể thấy trong thân cây lúa là một hệ thống “khung xương” được hình thành bởi quá trình kết tủa silic trên các vách tế bào của cây, và cấu trúc này được gọi là phytolith.

Phát hiện này cho phép nhận định chính xác hơn về vai trò của khung xương phytolith như là nhân tố quan trọng nhất góp phần vào tăng cường sức chống chịu cơ học của thân cây lúa. Phân tích phổ tán xạ năng lượng tia X (EDX) cho thấy có một lượng đáng kể các nguyên tố dinh dưỡng, đặc biệt là kali khu trú trong cấu trúc của phytolith. Kali bị cố định chặt trong cấu trúc phytolith và chỉ có thể được giải phóng khi cấu trúc phytolith bị phá vỡ.

Ngoài lượng Kali, trong rơm rạ còn có N và P cùng một số nguyên tố khác.

Khả năng tạo mùn: hàm lượng cellulose, lignin trong rơm rạ khá cao, đây là một cơ sở quan trọng để hình thành mùn trong đất.

Vi sinh vật: trong rơm rạ, cỏ khô cũng chứa nhiều vi khuẩn Bacillus subtilis.

Hạn chế cỏ dại: theo như các quan sát thực tế thì sử dụng rơm rạ để làm vật che phủ sẽ hạn sự phát triển chế cỏ dại.

Kết luận: dựa vào các thông tin trên có thể thấy rơm rạ có thể dùng vào nhiều mục đích; việc sử dụng rơm rạ có tác dụng rất tốt, chứ không chỉ là vật bỏ đi như chúng ta thường nghĩ.

Xem thêm các bài viết khác tại, Chia sẻ kiến thức

Tham khảo thêm tại Công ty TNHH Green Biomix