Vào những năm 1950 thì người ta phát hiện lá cây có thể hấp thu chất dinh dưỡng thông qua khí khổng và lớp tế bào trên bề mặt của lá. Cả hai nơi này có thể hấp thu một lượng chất dinh dưỡng như nhau. Nếu so cùng khoảng thời gian, lá cây có thể hấp thu lên đến 95% lượng dinh dưỡng được phun lên lá, trong khi đó rễ chỉ hấp thu khoảng 10% lượng phân bón xuống đất (tùy theo từng loại chất dinh dưỡng).
Đến nay các nhà khoa học đều công nhận rằng, phân bón lá rất quan trọng trong những điều kiện mà cây trồng bị suy yếu bộ rễ, bị mất cân đối về dinh dưỡng trong cây, khi đó phân bón lá là một “vị thuốc” giúp cho cây vượt qua cơn nguy kịch, để sống lại bằng bộ rễ của cây. Phân bón lá không thể thay thế phân bón gốc được.
Để cây hấp thu dinh dưỡng qua lá, các chất dinh dưỡng phải tan hoàn toàn trong nước, chất dinh dưỡng ở dạng phân tử lá cây hấp thu dễ dàng hơn dạng ion, mà trên thị trường thì chủ yếu chất dinh dưỡng hiện diện dạng ion (trừ urê). Về vai trò của chất dinh dưỡng phun qua lá, có chất hữu hiệu trực tiếp, có chất chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho hiệu quả của các chất khác.
Như vậy cần phải am hiểu và có kỹ thuật cao mới phối trộn một cách hài hòa các loại dinh dưỡng và làm cho chúng tan hoàn toàn mới tạo ra phân bón lá tốt được.
Trên thị trường có quá nhiều loại phân bón lá, chất lượng vàng, thau lẫn lộn, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Để tránh làm thiệt hại cho nông dân, tôi xin đề nghị biện pháp “3 TÂM”: (1) cái tâm của nhà sản xuất; (2) cái tâm của nhà phân phối và (3) cái tâm của nhà quản lý. Về phía bà con nông dân, bà con cần thực hiện các động tác của nhà khoa học, đó là phải thử xem loại phân đó, khi phun có tốt như trong nhãn đã ghi hay không và không chỉ nghe theo khuyến cáo.
Một số nhãn hàng có chương trình quảng cáo thường rất “kêu”: Phân bón lá như liệu pháp “thần kỳ”. Ông có lời khuyên gì giúp nông dân nhận biết, có cách nhìn đúng đắn trước khi mua sử dụng?
Phân bón lá không phải là “thần kỳ” như chúng ta thường nghe thấy mà nó chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Như vậy khi nào cần hỗ trợ? Đó là lúc cây trồng gặp khó khăn về dinh dưỡng do bộ rễ có vấn đề, nguyên nhân bà con canh tác quá lâu ngày, không bón phân hữu cơ, đất bị chai cứng rễ không phát triển tương xứng với thân – lá.
Hiện tượng đó dẫn đến cây bị thiếu dinh dưỡng và suy yếu. Bà con nông dân rất khó để phân biệt về chất lượng của phân bón lá hay thậm chí các nhà khoa học cũng không thể nhìn mà biết được chất lượng.
Để khuyến cáo bà con sử dụng đúng, trước hết bà con phải (1) có cái nhìn đúng về phát triển của cây, đó là thân lá phát triển phải tương xứng với bộ rễ phát triển. Cái nhìn không đúng của bà con là chỉ quan tâm LÁ CÂY tốt, chứ không biết RỄ CÂY phát triển có tốt không. Vấn đề này cực kỳ nguy hiểm trong canh tác và là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều vườn cam – quýt bị vàng lá “chết rễ”.
Tôi không dùng từ “thối rễ” như đa số bà con thường dùng, để tránh cho bà con hiểu lầm là do bệnh, mà ở đây tôi muốn nhấn mạnh, rễ chết là do đất bị CHAI CỨNG do thiếu hữu cơ; (2) nhìn đúng nhà phân phối.
Trong những lần đi nói chuyện với bà con ở các xã, tôi có dịp ghé thăm các đại lý, cửa hàng bán phân bón. Qua trao đổi với chủ của một cửa hàng bán phân và tôi rất thích cách làm của anh ấy: khi có một nhà sản xuất đến giới thiệu về phân bón, anh ấy không chấp nhận ngay, mà xin cho thử.
Sau đó anh cho các lão nông thử và đánh giá, anh ấy cũng tham gia đánh giá. Khi được chấp nhận thì anh ấy mới nhận để bán. Nếu bà con chọn đúng cửa hàng này thì an tâm một phần.
Hiện nay qui trình từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đến sản xuất thương mại hóa sản phẩm có bất cập? Theo ông cần có giải pháp gì chấn chỉnh?
Để có được một loại phân bón lá như mong muốn, người sản xuất phải có kiến thức về sinh lý cây trồng và kiến thức về hóa học và phải có một phòng thí nghiệm với các thiết bị cần thiết. Kinh phí có thể lên đến hàng tỉ đồng và có thể đắt hơn nhà máy sản xuất phân bón lá.
Đây là một yêu cầu rất cao cho nhiều nhà sản xuất phân bón lá, từ đó mà các nhà sản xuất không lường hết các trục trặc xảy của các phản ứng hóa học khi phân bón đã được vô chai và bán ra thị trường. Như vậy cái mà họ nghĩ tốt, bây giờ trở thành xấu hoặc không còn như mong muốn.
Để thị trường phân bón không chạy đua như hiện nay, tôi đề nghị sự thay đổi ở ba nhà: (1) nhà nông: cần có suy nghĩ “ăn chắc mặc bền”, không thúc ép sự phát triển của cây, phải điều khiển cho cây phát triển hài hòa giữa thân lá và rễ cây, quan tâm hơn nữa chăm sóc bộ rễ cây; (2) nhà khoa học phải gần gũi với nông dân hơn nữa và công tâm với nông dân; (3) nhà nước cần bổ sung kiến thức khuyến nông, cần nhìn xuống đất và phải hiểu cái bất lợi từ đất.
Về sản xuất phân bón, không nên cho đăng ký phân vào danh mục, rồi để cho nhà sản xuất tự làm, mà cần có sự hỗ trợ. Chúng ta không nên quản lý chủng loại phân như đã làm, mà phải quản lý nhà máy sản xuất phân và giao trách nghiệm quản lý cho cơ sở.
Nguồn tham khảo: Báo nông nghiệp
Xem thêm các bài viết khác tại, Chia sẻ kiến thức
Tham khảo thêm tại Công ty TNHH Green Biomix