Dành cho các bạn đang làm vườn, gồm cả kỹ sư tay ngang và kỹ sư nông nghiệp. Ai là người lãi to nhất, trong vòng xoay nông nghiệp? Người bán phân thuốc, bán giống, thương lái, nhà phân phối, bên cung cấp công nghệ, nông dân hay người tiêu dùng,…
Tuy nhiên, tất cả đều là không đúng!
Trong vòng xoay NN hiện nay, người lãi to nhất là người giỏi nhất. Bất kể ở vị trí nông dân, bán giống, phân thuốc, nhà buôn, cung cấp công nghệ…
Trong quy luật về giá trị, phần lớn lợi nhuận bạn tạo ra không phải do sự chăm chỉ của bạn, mà là do trí tuệ, tư duy của bạn tạo ra. Nghĩa là lao động trừu tượng, chứ không phải từ hành vi cầm cái cuốc, đổ phân gốc, chăm cái cây hàng ngày. Bạn cũng thường nghe nhiều người nông dân (và đôi khi là chính bạn) kêu than vất vả, được mùa mất giá, bị o ép. Đó thực ra chỉ là phản ánh quy luật này. Chỉ đơn giản là vì bạn không giỏi.
Nhiều người nghĩ, làm nông không cần phải học, chỉ cần làm theo kinh nghiệm là được. Khi được nghe tư vấn: siêu này siêu kia, nhanh ra quả, nhanh ra rễ mà không chú ý đến bền vững. Không hiểu về dinh dưỡng cây trồng và chất lượng. Mua cả tấn phân đổ vào, mua hàng chục loại siêu này siêu kia, suốt ngày lo chữa cây bệnh. Thì khi đó, người bán phân thuốc là người giàu to.
Bạn không biết trồng cây để nó tồn tại được lâu, nay chặt mai trồng, thì tất nhiên khi đó, lời lãi thuộc về người bán giống.
Hàng làm ra kém chất lượng, thậm chí chẳng ăn nổi vì không ngon. Đương nhiên không ai muốn tiêu thụ. Khi đó, thương lái không phải vì ép giá, mà thậm chí là còn đang giúp bạn bán hàng đi. Lời lãi dĩ nhiên không thuộc về bạn, mà công chính thuộc về người lái buôn. Điều đó là xứng đáng vì họ phải vất vả tìm được nơi tiêu thụ 1 sản phẩm tồi.
Khi bạn không có kiến thức để làm giỏi. Mặc dù sở hữu đất, nhưng hành vi hàng ngày của bạn về cơ bản không khác lao động làm thuê lấy công. Bạn cuốc đất nhưng không biết cuốc thế nào cho tốt. Bạn bón phân nhưng không biết cách nào bón đúng cho cây, để cây đủ dinh dưỡng. Bạn yêu cây chăm cây hàng ngày nhưng cây vẫn bệnh. Khi bạn lao động theo cách ấy, thì dù bạn là chủ đất vườn, về cơ bản giá trị mà bạn tạo ra chỉ là giá trị lao động thô. Thu nhập của bạn dĩ nhiên chỉ tương đương lao động làm thuê trong nông nghiệp.
Bạn vẫn luôn cho rằng mình chăm chỉ thì sẽ giàu! KHÔNG, HOÀN TOÀN KHÔNG ĐÚNG. Khi bạn chăm chỉ mà không có kiến thức, thì lao động của bạn hoàn toàn như lao động làm thuê, chỉ đâu đánh đấy. Dù bạn có làm 12 tiếng 1 ngày trong mưa nắng, thì thu nhập cho bạn không quá 300,000 vnd/ngày đâu. Đó là bán sức lao động lấy công, không phải là lời lãi. Ai là người lãi to nhất, trong vòng xoay nông nghiệp?
Khi bạn giỏi thì sao?
Bạn biết kiến thức về cây. Bạn biết cách trồng ban đầu để cây tốt và biết dinh dưỡng về cây. Biết về đất để khai thác tiềm năng đất, cung cấp dinh dưỡng tốt cho cây. Khi đó cây khỏe sống lâu năm, bạn trồng 1 lần và thu 20 năm, dĩ nhiên, lời lãi thuộc về bạn không phải người bán giống – họ có bán được nhiều lần đâu?.
Bạn có kiến thức để biết cách bón phân vừa đủ. Không ham siêu này siêu kia, bón phân phù hợp nhu cầu của cây, thì không có phần thừa và lãng phí. Bạn dùng bao nhiêu thì cây cho ra bằng ấy, dĩ nhiên lợi nhuận thuộc về bạn không phải người bán phân.
Bạn biết cơ sở để làm cây khỏe, kháng bệnh và chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết. Cả năm có khi bạn chỉ phải mua 1 lần. Khi đó, lợi nhuận thuộc về bạn chứ không phải người bán thuốc kia.
Nếu bạn không có kiến thức mà làm theo họ tư vấn. Tất nhiên công sức chính để xác định bệnh và cách chữ trị là thuộc về họ. Còn bạn chỉ là người thực hiện theo chỉ thị của họ mà thôi, dù bạn là chủ vườn thật đấy. Đã thế lại tốn tiền mua nhiều loại vì nghe nhiều người tư vấn cùng lúc. Còn khi bạn có hiểu biết, lựa chọn loại nào phù hợp thì giá trị là của bạn. Lời lãi cũng sẽ thuộc về bạn thôi.
Cây khỏe, ít bệnh, dinh dưỡng tốt, thì sản phẩm tất sẽ ngon. Một khi sản phẩm ngon và sạch sẽ, thì chỉ cần bạn hú lên, thương lái xếp hàng mua, họ thậm chí còn tranh nhau đấu giá để mua với giá cao hơn. Khi đó, không ai có quyền o ép bạn cả, lời lãi của bạn lại càng tăng. Còn khi sản phẩm làm ra mà không ai tìm đến, thì vật nài họ mua như đổ đi, họ còn chẳng mua.
Vậy vấn đề ở đây là gì?
Nhiều bạn hay hỏi, em làm thế này, hay em làm thế kia được không?
Xin thẳng thắn nói với các bạn, như thế không bao giờ là giỏi. Đó là bạn đi học lõm bõm, không đầu không cuối, mỗi vườn mỗi cây khác nhau. Bê cách làm từ chỗ này sang chỗ kia mà không hiểu để thay đổi linh hoạt, cây không chết là may lấy đâu ra lợi nhuận?
Cái sai lầm lớn là anh em coi rằng làm nông thì không cần kiến thức, không cần khoa học. Chỉ cần chăm chỉ và theo cách truyền thống là đất sẽ không phụ công. Rồi tham khảo chỗ này chỗ kia đưa về vườn là đủ. Xin thưa, đất chỉ là đất, bạn ném 1 nắm cứt bò xuống đất và chỉ biết ngồi trông chờ nó thì thứ bạn nhận được lại cũng chỉ là cứt bò mà thôi, không hơn không kém. Nông nghiệp truyền thống, bạn quên là chỉ đủ ăn thôi, còn làm giàu thì không bao giờ có.
Vậy nên để có lời lãi thuộc về bạn, lời khuyên mà mình đưa ra là các bạn chịu khó học đi. Học để lý giải được hiện tượng tự nhiên xảy ra xung quanh. Học để biết cách áp dụng linh hoạt vào vườn của mình cho hiệu quả. Làm cho cây sống lâu, trồng một lần là sống vài chục năm như cây vốn thế. Cho ra sản phẩm ngon thì lời lãi sẽ thuộc về bạn. Nếu bạn không tự học được, bỏ tiền ra, sẽ có người dạy bạn.
Kể cả những bạn kỹ sư nông nghiệp, hoặc kỹ sư tay ngang nhưng khi ở trường học kiểu đối phó cho xong, tự hào vì lười học, ra trường đầu vẫn rỗng tuếch và lười tư duy, gặp vấn đề khó thì bỏ. Cũng chẳng làm chủ nổi khu vườn của mình, suốt ngày đi hỏi và tham khảo. Chỉ khác nông dân ở chỗ biết dùng mạng để tìm kiếm thông tin. Tôi nói thẳng, các bạn có giận thì tôi vẫn nói thôi.
Mong nhiều anh em nông dân nhận thức ra. Không biết thì phải học, học không bao giờ muộn cả. Học cho ra học đừng có học chỗ này chỗ kia 1 tí mà không chịu chú trọng về cơ bản. Nếu không học được thì thà tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của người khác còn hơn.
Bạn làm hóa học cũng được, hữu cơ cũng không sao. Nhưng làm gì thì đều cần giỏi cả, XÃ HỘI KHÔNG CÓ CHỖ CHO SỰ LƯỜI BIẾNG VỀ TƯ DUY.
Khi bạn làm kém, hãy nhìn lại bản thân mình, chứ đừng đổ lỗi cho những người bán giống phân thuốc hay thương lái. Họ cũng là người kinh doanh, như là bạn đang kinh doanh trên mảnh vườn của mình mà thôi. Vậy, bạn đã có câu trả lời: Ai là người lãi to nhất, trong vòng xoay nông nghiệp?
Bài viết dựa trên thông tin từ anh bạn – Xuân Dự
Xem thêm các bài viết khác tại, Chia sẻ kiến thức
Tham khảo thêm tại Công ty TNHH Green Biomix