Đất tốt phải đảm bảo cho cây “ăn no” (cung cấp kịp thời và đầy đủ thức ăn), “uống đủ” (chế độ nước tốt), “ở tốt” (chế độ không khí và nhiệt độ thích hợp) và “đứng vững” (rễ cây có thể mọc rộng và sâu). Người xưa: “Không có đất xấu, chỉ có chủ nhân xấu mà thôi”. Chủ nhân xấu hiểu theo nghĩa: thiếu kiến thức và không áp dụng các phương pháp cải tạo đất. Đất xấu hoàn toàn có thể cải tạo thành đất tốt. Người nông dân thường quan niệm đất tốt là đất màu hơi đen, mềm và giàu vi sinh vật, nhiều giun đất v.v. Đất trồng phải là đất sống, để cây khỏe mạnh.
Đất trồng phải là đất sống, có nhiều sinh vật, vi sinh vật, các động vật bậc thấp như giun, dế sống cộng sinh với đất mới tốt. Lúc sống chúng liên tục đào hang xẻ chằng chịt giúp đất được tơi xốp thông thoáng. Khi chết, xác chúng tạo nên những chất khoáng cần thiết nuôi cây. Đó là chưa nói đến những chất chúng bài tiết ra cũng góp phần làm cho đất thêm màu mỡ. Trên thực tế, một muỗng cà phê đất khỏe mạnh có chứa số lượng vi khuẩn nhiều hơn là tổng số người trên trái đất.
Lượng “thức ăn” có sẵn là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến độ đông đúc và mức độ hoạt động của sinh vật đất. Cộng đồng đông đúc này đòi hỏi phải có nguồn cung cấp vật chất hữu cơ liên tục để tồn tại.
1/ Vi sinh vật Đất
Quần thể vi sinh vật thường tập trung nhiều nhất ở tầng canh tác. Đó là nơi tập trung rễ cây, chất dinh dưỡng, có cường độ chiếu sáng, nhiệt độ, độ ẩm thích hợp nhất.
Số lượng và thành phần vi sinh vật thấy nhiều hơn khi chiều sâu đất 10 – 20 cm so với bề mặt. Ở tầng lớp này độ ẩm vừa thích hợp, các chất dinh dưỡng tích luỹ nhiều, không bị tác dụng của ánh sáng mặt trời nên vi sinh vật phát triển nhanh. Các quá trình chuyển hoá quan trọng trong đất chủ yếu xảy ra trong tầng đất này.
Số lượng và thành phần vi sinh vật sẽ giảm đi khi độ sâu của đất hơn 30 cm và sâu 4 – 5m hầu như rất ít (trừ trường hợp đất có mạch nước ngầm). Rõ ràng là vi sinh vật ở tầng đất này phải là loài yếm khí đồng thời phải chịu được áp suất lớn mới phát triển được. Ở lớp đất này hầu như các chất hữu cơ rất hiếm. Số lượng và thành phần vi sinh vật trong đất còn thay đổi tuỳ chất đất, ở nơi đất nhiều chất hữu cơ, giàu chất mùn có độ ẩm thích hợp vi sinh vật phát triển mạnh.
Thành phần vi sinh vật cũng thay đổi theo tầng đất: vi khuẩn háo khí, vi nấm, xạ khuẩn thường tập trung ở tầng mặt vì tầng này có nhiều oxy. Càng xuống sâu, các nhóm vi sinh vật háo khí càng giảm mạnh. Ngược lại, các nhóm vi khuẩn kị khí như vi khuẩn phản nitrat hoá phát triển mạnh ở độ sâu 20 – 40cm. Ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm thường có quá trình rửa trôi, xói mòn nên tầng 0 – 20cm dễ biến động, tầng 20 – 40cm ổn định hơn.
Đối với tất cả các loại cây trồng, vùng rễ cây là vùng vi sinh vật phát triển mạnh nhất so với vùng không có rễ. Sở dĩ như thế vì rễ cây cung cấp một lượng lớn chất hữu cơ khi nó chết đi. Khi còn sống, bản thân rễ cây cũng thường xuyên tiết ra các chất hữu cơ làm nguồn dinh dưỡng cho vi sinh vật. Rễ cây còn làm cho đất thoáng khí, giữ được độ ẩm.
2/ Giun đất
Giun đất là động vật hoại sinh, thuộc động vật trung bình (mezofauna). Theo vị trí cư trú, ta thấy có loài chuyên sống ở lớp đất mặt, có loài sống sâu dưới đất và có loài sống lưng chừng giữa những loài trên. Giun yêu cầu đất có độ ẩm phù hợp, giàu thức ăn, phản ứng trung tính hoặc ít chua. Khi đất có pH nhỏ hơn 4,5 giun đất phát triển rất kém. Sự phân bố của giun đất trong các loại đất rất khác nhau.
Giun đất tham gia vào quá trình phân huỷ xác hữu cơ, chuyển hoá thành mùn và chất khoáng. Trong ống tiêu hoá của giun người ta thấy có nhiều loại dịch và men tiêu hoá, chính nhờ vậy mà xác hữu cơ sau khi được nghiền nhỏ tiếp tục được phân huỷ.
Quá trình tiêu hóa của Giun Đất được mô tả:
Giun đất di chuyển theo kiểu chủ động đào hang bằng cách nuốt đất vào bụng, sau đó thải ra phía sau. Vỏ cơ thể giun luôn luôn có dịch nhờn để dễ chuyển động, đồng thời giun còn có khả năng co thắt cơ thể để ép đất chặt lại và mở đường đi. Giun đã nuốt vào cơ thể những chất hữu cơ đã được phân giải và một phần đất. Trong cơ thể giun, các chất hữu cơ và đất quyện vào nhau thành dạng viên rất mịn. Những hạt mịn này sau khi giun bài tiết ra ngoài sẽ tạo điều kiện tốt cho việc cải tạo đất và hoạt động của vi sinh vật. Tác dụng này rất quan trọng.
Rất có ý nghĩa là việc giun đào hang lấy đất ăn và thải “phân giun”. Các hạt đất đã qua bụng giun là những đoàn lạp lớn (macroaggregates) rất giàu và đầy đủ thành phần dinh dưỡng (Hữu cơ, N, P, K, Ca, Mg…) và vi sinh vật, đến mức ta có thể xem là những viên phân. Những chất bài tiết của giun đất tạo ra môi trường mới, làm tăng lượng N,P,K trao đổi, tạo điều kiện cho vsv cũng như cây trồng phát triển thuận lợi. Ngoài ra, trong chất bài tiết còn có CaCO3 được luyện từ các tuyến đặc biệt của giun. Nó giúp cho quá trình giữ độ pH ở mức thuận lợi. Tất cả những điều kiện trên tạo cho đất tốt hơn.
Các nhà khoa học đã tính rằng nếu trong đất có 150 cá thể trên 1 m2 thì hàng năm có tới hơn 120 tấn viên phân giun trong đó 20 tấn được đùn lên khỏi mặt đất (theo Nguyễn Kim Vũ). Giun đất tạo ra một hệ thống “hang” có thể chiếm tới 2/ 3 thể tích khe hở chung của đất (Uggla, 1976), rất có lợi cho chế độ không khí – nước – nhiệt nhất là trong đất nặng.
Do có nhiều tác dụng như vậy nên giun đất được ví là “”Lưỡi cày muôn thủa của đất”
Ngoài ra, trong đất còn chứa rất nhiều loài côn trùng có ích khác. Sự sống trong đó luôn diễn ra theo cách rất sôi động, nếu không có sự can thiệp thô bạo của chúng ta. Do đó, Đất trồng phải là đất sống để cây trồng khỏe mạnh.
Xem thêm bài viết, Làm vườn: chưa bao giờ dùng thuốc hóa học
Tham khảo thêm tại Công ty TNHH Green Biomix