Thối rễ xì mủ ở cây trồng là nỗi “ám ảnh” của người làm vườn. Bởi, từ khi xuất hiện cho tới cây “ra đi thanh thản” diễn biến rất nhanh, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Mức độ nguy hiểm là vậy, nhưng không phải vườn nào cũng bị và thời điểm nào cũng bị. Vậy, câu hỏi đặt ra: thối rễ xì mủ cây trồng có đáng sợ như ta tưởng?
Người xưa có câu: “Biết người biết ta, trăm trận không nguy. Không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua. Không biết người, không biết ta, mọi trận đều bại”. Trong trường hợp này, tôi muốn đề cập tới “biết” chứng thối rễ, xì mủ cây trồng do đâu mà ra, hiểu để chúng ta không “bại”.
Thường khi cây trồng bị thối rễ, xì mủ chúng ta nghĩ ngay tới mầm bệnh (có thể do nấm, khuẩn, tuyến trùng,…). Từ ý nghĩ đó, chúng ta tìm thuốc này, thuốc kia, phối đủ loại thuốc để xử lý. Trong số đó, cũng có người khống chế được, cây tốt và cũng có người ra đi cả vườn cây. Cũng có nhiều nhà vườn “phòng” trước, cách phòng của họ là “đổ thuốc” trước khi có sự xuất hiện của mầm bệnh. Kết quả, có vườn phòng được, có vườn không, chứ không phải vườn nào cũng như nhau. Từ đó, chúng ta có cảm giác như quản lý chứng thối rễ như một vòng “luẩn quẩn”, không biết đâu mà lần.
Theo tôi, cây thối rễ, xì mủ không hẳn là do mầm bệnh, bệnh chỉ là yếu tố xuất hiện cuối cùng. Bệnh chỉ là kẻ cơ hội khi sức khỏe của đất bị suy yếu, cây trồng không khỏe mạnh. Các nguyên nhân có thể kể tới:
1/Thoát nước kém
Thoát nước kém, đọng nước (đọng gốc) dẫn tới tình trạng thiếu oxy trong đất. Cây trồng của chúng ta là cây trồng cạn ưa ẩm chứ không phải ưa nước. Nước là để cung cấp ẩm chứ không phải cung cấp “lũ lụt”. Để ý, các đợt mưa lớn liên tục kéo dài hoặc nước mương vườn bị ngập vài hôm là cây bị thối rễ ngay.
2/Đất thiếu hữu cơ
Hữu cơ được ví như “linh hồn” của đất, đều phối mọi vấn đề xảy ra trong đất. Các vấn đề có thể kể tới như: sinh học đất, vật lý đất và hóa học đất. Một khi hữu cơ của đất bị “cạn kiệt” thì hầu hết các phản ứng sinh hóa trong đất “gần như bị tê liệt”. Đất trồng không còn giữ được dinh dưỡng, đất bị chua hóa, mầm bệnh bộc phát tràn lan, cây trồng kém phát triển.
3/Không che phủ đất, chua hóa đất
Mất lớp che phủ nghĩa là canh tác mà không có gì che “mặt đất” lại. Nhà vườn ra sức tiêu diệt cỏ bằng đủ các biện pháp từ hóa chất cho tới cơ học. Thậm chí, mặt đất “láng bóng” tới mức không còn một chiếc lá, nhánh cỏ. Nhà nông chúng ta hay gọi là “người làm vườn siêng năng”. Vô hình dung, đây lại là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng chua đất, pH đất giảm. Bề mặt đất không che phủ, đất dễ bị chua hóa do tác động của nước mưa, nước tưới. Mưa và nước tưới sẽ kéo các ion kiềm trôi đi mất, làm mất cân bằng pH.
Xác bã thực vật, cành cây ngọn cỏ là nguồn duy trì pH tốt cho đất. Với thói quen dọn sạch sẽ vườn, vô tình chúng ta đã làm đất bị chua hóa đi. Theo cách mà chúng ta không ngờ tới.
4/Lạm dụng hóa chất, kích thích
Sử dụng thuốc hóa học trừ bệnh cũng tạo ra một vòng luẩn quẩn theo các cách sau :
Mầm bệnh gây ra cho cây dễ dàng thay đổi đặc tính để thích nghi với sự thay đổi hoàn cảnh. Chúng có thể dễ dàng phát triển để kháng lại thuốc hóa học. Các vi sinh vật có lợi khống chế được mầm bệnh lại bị giết chết bởi thuốc trừ sâu bệnh. Từ đó xảy ra sự mất cân bằng vi sinh vật. Sự xuất hiện của các mầm bệnh mới có khả năng kháng thuốc. Làm tăng sự mất cân bằng sinh thái của vi sinh vật.
Việc trừ dịch bệnh bằng hóa chất có thể có tác dụng nhanh chóng tức thời. Tuy nhiên cũng không thể giải quyết vấn đề một cách lâu dài.
Chất kích thích sinh trưởng không xấu, nhưng khi lạm dụng chúng thì lại vô cùng nguy hiểm. Nó được ví như hiện tượng “những đứa trẻ bị béo phì”, giúp cây lớn nhanh nhưng “không khỏe”.
5/Cây bị sốc do môi trường thay đổi. Khi có sự thay đổi về các yếu tố như nắng mưa, nhiệt độ cao thấp, chuyển mùa,…cây trồng thường dễ bị sốc (sốc do môi trường). Nếu sức khỏe cây yếu thì đây là điều kiện lý tưởng để mầm bệnh tấn công và gây hại. Đôi khi, không có mầm bệnh cây vẫn bị chết, sốc sinh lý.
6/Mầm bệnh trong đất
Công bằng mà nói, mầm bệnh luôn luôn có sẵn và luôn luôn hiện diện trong đất. Bình thường, các mầm bệnh này dễ dàng bị kiểm soát bởi “các vi sinh vật hữu ích trong đất”. Đồng thời, khi bạn khắc phục được các mục trên (1, 2, 3, 4, 5) thì cơ bản mầm bệnh “không thể xơi cây” của bạn được.
Bên trên là các nguyên nhân cơ bản dẫn tới thối rễ, xì mủ. Dĩ nhiên, sẽ còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa mà chúng tôi chưa nêu ra. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” là phương châm đúng. Phòng bệnh là công việc đòi hỏi sự quản lý tổng hợp, chứ không đơn thuần là “đổ thuốc” vào đất. Do đó, những bạn đang phòng theo cách sử dụng vi sinh là đúng. Nhưng để đạt hiệu quả tối ưu thì các bạn nên xem lại các thông tin đã nêu ở trên. Chỉ khi có sự phối hợp giữa các yếu tố trên thì vi sinh mới phát huy được một cách trọn vẹn.
Tham khảo thêm tại Công ty TNHH Green Biomix