Cách ủ phân hữu cơ nhanh phân hủy, sử dụng men ủ

Đất trồng ngày càng bị thoái hóa nghiêm trọng, nhất là thoái hóa về mặt hữu cơ. Hữu cơ được ví như “linh hồn” của đất, đều phối mọi vấn đề xảy ra trong đất. Các vấn đề có thể kể tới như: sinh học đất, vật lý đất và hóa học đất. Một khi hữu cơ của đất bị “cạn kiệt” thì hầu hết các phản ứng sinh hóa trong đất “gần như bị tê liệt”. Đất trồng không còn giữ được dinh dưỡng, đất bị chua hóa, mầm bệnh bộc phát tràn lan, cây trồng kém phát triển. Chính vì thế, bổ sung hữu cơ cho đất là vấn đề cấp thiết hiện tại và tương lai tới. Tuy nhiên, hữu cơ cho đất cần thông qua quá trình xử lý “an toàn”, hay còn gọi là “ủ phân” thì mới bón được cho đất, cho cây. Vấn đề đặt ra: cách ủ phân hữu cơ như thế nào cho nhanh phân hủy?

Câu trả lời: cách ủ phân hữu cơ nhanh phân hủy “không khó” như chúng ta tưởng. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ chia sẻ nhiều khía cạnh để các bạn có thể hiểu và ứng dụng được. Chúng ta bắt đầu vào nội dung chính của bài viết nhé.

1/Nguyên vật liệu để dùng ủ phân hữu cơ

Gần như tất cả các vật liệu hữu cơ đều có thể sử dụng để làm phân ủ. Các vật liệu khác nhau sẽ cần những khoảng thời gian khác nhau để phân huỷ.

  • Các vật liệu giàu Nitrogen (N): phân gia súc, gia cầm (trâu, bò, heo, dê, gà, vịt,…), bã cà phê, rong rêu, rau củ, trái tươi, bánh dầu,…
  • Các vật liệu giàu Cacbon (C): xác bã thực vật khô như vỏ trấu, mùn cưa, bã bùn mía, rơm rạ, cỏ, lục bình, cây bắp (thân, lá, vỏ, cùi), cây họ đậu (thân, lá, vỏ trái), bã bùn mía, vỏ cà phê, xơ dừa và mùn dừa đã xử lý độ mặn,…

Tỉ lệ hỗn hợp cơ bản nên bao gồm: nguyên liệu giàu chất xơ (cacbon) được trộn với nguyên liệu giàu đạm (N) như các loại phân như trâu bò, lợn, gia cầm. Với tỷ lệ 4/1 (4 phần nguyên liệu giàu chất xơ : 1 phần nguyên liệu giàu đạm) hoặc ít hơn, nhưng không thấp hơn tỷ lệ 1/1.

Để tạo bước đột phá rút ngắn thời gian ủ hoai, cần sử dụng vật liệu ủ theo tỷ lệ C/N = 25 – 30/1. Với tỷ lệ này sẽ làm tốc độ phân huỷ tăng nhanh, đồng thời tạo được sự thông thoáng cho khối ủ.

Cách phối trộn trên chỉ là một gợi ý. Tùy vào tình hình thực tế mà chúng ta có vận dụng sao cho linh hoạt, chứ không bắt buộc phải rập khuôn.

2/Lựa chọn địa điểm ủ

  • Nên chọn vị trí đống ủ ở vị trí dễ dàng tập kết vật liệu đã lựa chọn.
  • Chừa khoảng trống cạnh khối phân ủ để thuận tiện khi xới trộn.
  • Đống phân ủ nên để ở nơi râm mát, có mái che để tránh tác động bởi nắng – mưa.
  • Nước cần được tưới vào đống ủ định kỳ, do đó tốt nhất là đống ủ gần nguồn nước. Nếu như không gần nguồn nước thì bạn cần phải đặt một dụng cụ chứa nước để ở gần đống ủ để dễ dàng bổ sung nước khi cần.

3/Cách ủ phân hữu cơ, đánh đống ủ:

Có rất nhiều cách đánh đống đống phân. Đánh đống theo hình chóp núi, hình vuông, đánh đống hình chữ nhật trải dài và nhiều kiểu khác. Điểm mấu chốt ở đây cần phải có một lượng không khí phù hợp lưu chuyển qua đống phân ủ. Đồng thời vẫn phải tích luỹ được nhiệt độ lên men cần thiết.

Độ cao của đống phân ủ nên vào khoảng 1,5-2 mét. Nếu đống ủ cao quá 2 mét, việc tích lũy nhiệt là lý tưởng. Nhưng sức nặng của các vật liệu sẽ đè nặng lên phần bên dưới, làm cho nó bị nén cứng và yếm khí (thiếu oxy). ​Mặt khác, nếu đống ủ quá thấp, nhiệt độ tích luỹ sẽ yếu và tốc độ phân huỷ sẽ chậm hơn.

Nếu đánh đống dưới 10 tấn phân ủ, chiều rộng lý tưởng là 2 mét, và nên đánh đống theo hình chữ nhật. Không nên đánh đống theo hình vuông, vì như vậy, không khí sẽ khó lọt vào giữa đống ủ.

Nếu đánh đống trên 20 tấn, nên để chiều ngang rộng 3-4 mét, theo hình chữ nhật, với độ cao là 1,5 mét. Có thể đánh đống một lượng phân ủ lớn ngoài trời theo hình chóp núi, với chiều cao khoảng 2 mét và rộng 3-4 mét.

4/Cách ủ phân hữu cơ:

BƯỚC 1. Chuẩn bị men ủ TRICO GBM (Trichoderma). 1KG Ủ CHO 2-3 TẤN VẬT LIỆU HỮU CƠ.

Lưu ý: men ủ trên thị trường có rất nhiều loại, bạn có thể lựa chọn loại phù hợp.

BƯỚC 2. Tiến hành ủ: có thể tiến hành theo 2 cách

– Ủ xếp lớp : thường áp dụng cho quy mô nhỏ, sử dụng sức người là chủ yếu. Theo cách này thì các nguyên liệu ủ được xếp xen kẽ với nhau chứ không được trộn đều. Nếu có máy móc cũng như nhân công nên đảo trộn đều, các nguyên liệu trước khi ủ, quá trình phân giải diễn ra thuận lợi hơn.

-Ủ theo kiểu xếp lớp xen kẽ:

  • Rải một lớp nguyên liệu giàu chất xơ xen kẻ với một lớp phân gia súc, gia cầm (vật liệu giàu đạm). Sau đó tưới dung dịch vi sinh TRICO GBM đã được hòa tan trước đó. Đối với phân Bò Khô, nếu không có các vật liệu giàu chất xơ chúng ta có thể ủ riêng phân Bò. Rải một lớp phân Bò (chừng 20cm), tưới vi sinh, tạo ẩm. Tiếp tục lặp lại các bước trên cho tới khi hoàn thành đống ủ.
  •  Phun hoặc tưới nhẹ TRICO GBM lên lớp vật liệu ủ rồi trộn đều. Tiếp tục lặp lại cho từng lớp phân ủ, tạo độ ẩm 50-60%. Có thể kiểm tra độ ẩm bằng cách dùng tay siết chặt nắm vật liệu ủ. Nhận biết vừa đủ độ ẩm khi thấy có ít nước rịn nhỏ qua kẻ tay nhưng không trào nặng giọt. Dư ẩm dẫn đến thiếu Oxy làm quá trình phân huỷ chất hữu cơ bị chậm. Khi vật liệu ủ dư ẩm, trộn thêm vật liệu khô vào để điều chỉnh lại độ ẩm.
  • Cẩn thận để tránh nén vật liệu quá nhiều và dẫm chân lên đống ủ khi đắp. Nếu vật liệu được xếp quá chặt sẽ hạn chế không khí lưu thông vào trong đống ủ. Làm chậm quá trình ủ phân hoặc phân huỷ không hết.
  • Chừa khoảng trống cạnh khối phân ủ để tiện khi xới trộn. Sau cùng phủ bạt Nylon (nhựa đục) để để giữ ẩm, giữ nhiệt và tránh thất thoát phân.
  • Sau 2 – 3 ngày ủ, khối vật liệu ủ mất mùi thối và tăng sinh nhiệt lên đến 50 – 65oC. Ở nhiệt độ này sẽ làm tăng tốc độ phân huỷ, vi khuẩn phát triển mạnh, nhân rộng và dàn trải.
  • Qua 5 ngày ủ, mở bạt ra xới trộn để phân ủ được thoáng khí, giúp nhiệt độ, độ ẩm và các quần thể VSV được phân bổ đều toàn khối. Nếu vật liệu chưa đủ độ ẩm, phun thêm ít nước để đạt độ ẩm cần thiết. Sau cùng đậy bạt lại nhưng không nén chặt. Để vật liệu mau hoai và việc ủ được sớm hoàn tất cần xới trộn thêm 3 – 5 lần (cách nhau 5 – 7 ngày/lần), tần suất xới trộn được dãn dần về sau. Trong thời gian ủ không trộn thêm phân vô cơ để không làm giảm hàm lượng chất hữu cơ và các hợp chất mùn.
  • Cần kiểm tra ẩm theo khối ủ theo định kỳ 5-7 ngày/lần. Khi thấy khối ủ thiếu ẩm chúng ta cần bổ sung lượng ẩm phù hợp (kiểm tra độ ẩm như đã nêu). Cần moi đống ủ bằng cuốc/xẻng để kiểm tra (vì bên ngoài có thể ẩm nhưng bên trong lại thiếu ẩm).
  • Chậm nhất 45-60 ngày sau ủ (hoặc ít ngày hơn nếu ủ đúng quy cách), phân ủ hoai hết, các thành phần vật liệu ban đầu không còn nhận diện được nữa. Toàn bộ thành chất mùn tơi xốp, khối phân ủ xẹp xuống chỉ còn 50 – 60% ban đầu. Phân nguội hẳn và không còn sinh nhiệt kể cả sau khi xới trộn lại.
  • Kết thúc quá trình ủ: Các thành phần vật liệu ban đầu không còn nhận dạng được nữa. Khối phân ủ giảm xuống chỉ còn 50-60% so với ban đầu. Phân nguội hẳn và không còn sinh nhiệt, ngay cả khi xới trộn lại.

-Ủ TRỘN. Nếu có điều kiện, tốt nhất nên trộn đều các nguyên liệu ủ, men vi sinh lại với nhau. Bằng cách đảo trộn biện pháp thủ công hoặc máy móc, tạo ẩm và đánh đống phù hợp. Cách ủ trộn chỉ khác ủ xếp lớp ở công đoạn ban đầu mà thôi, các công đoạn sau tương tự nhau.

Tham khảo thêm tại Công ty TNHH Green Biomix