Bệnh nứt thân xì mủ do nấm Phytophthora gây nên là 1 trong những căn bệnh nguy hiểm hàng đầu đối với cây sầu riêng. Loài nấm này luôn có sẵn trong đất, chỉ chờ cơ hội để tấn công cây trồng. Chúng có thể lây lan qua gió & nước, vì vậy ko chỉ trên thân cành và rễ, mà tất cả các bộ phận của cây đều có thể nhiễm bệnh, kể cả trên lá, ngọn, trái (úng hong, thối đít trái).
Nếu gặp điều kiện môi trường thuận lợi cho nấm bệnh phát triển (như mưa dầm, thời tiết cực đoan), sức đề kháng của cây giảm sút, cây trồng sẽ dễ bị nấm Phytophthora tấn công. Đặc biệt là thời điểm ức chế sinh trưởng để xử lý ra hoa nghịch vụ vào mùa mưa, sức cây đột ngột giảm mạnh.
Hơn nữa, nấm Phytophthora còn có 2 cánh tay đắc lực để giúp mình tấn công dễ dàng vào cây đó là tuyến trùng & mọt đục cành. Sau khi cây trồng chịu sự tấn công của 2 loài này, tận dụng vô số những vết thương do các thủ hạ đã tạo nên, nấm phytophthora tấn công gây nên bệnh nứt thân xì mủ trên sầu riêng.
Nếu như chỉ có nấm Phytophthora, khi cây bị suy yếu và gặp điều kiện bất lợi thì mới phát sinh bệnh. Còn khi có mọt đục cành, thì dù là cây khoẻ mạnh, cũng sẽ là con mồi ngon của loài nấm bệnh này. Nấm tấn công vào ổ của mọt đục cành và dễ dàng xâm nhiễm vào bên trong thân cành. Rồi lan rộng nhanh chóng nhờ sự di chuyển khắp nơi của loài mọt bé nhỏ này. Nếu ko phát hiện kịp thời, để cho vết bệnh xì mủ ăn giáp thân thì cây sẽ ko sống nổi, do các phần da bệnh bị thối dần, mất đi khả năng dẫn dinh dưỡng để nuôi cây, từ đó cây mất sức mà chết. Có lẽ những cây khoẻ mạnh đó sẽ ko bị bệnh thối thân xì mủ nếu như bạn quản lý tốt nhóm mọt đục cành.
Bệnh nứt thân xì mủ thường phát triển mạnh vào mùa mưa nhờ ẩm độ cao & sự lây lan nấm bệnh qua nước. Nước mưa ứ đọng, ngập úng làm tổn thương bộ rễ và tạo cơ hội cho nấm Phytophthora tấn công. Đặc biệt, vào giai đoạn này, tuyến trùng hoạt động mạnh mẽ, tuy chúng không gây chết cây, nhưng nấm bệnh tấn công bộ rễ thông qua vết thương do chúng tạo nên thì sẽ uy hiếp đến tính mạng cây trồng. Nấm tấn công qua vết chích của tuyến trùng, làm thối rễ non, xì mủ ở vùng rễ và lan dần tới gốc.
Hơn nữa, nếu có triệu chứng xì mủ ở rễ, sẽ khó phát hiện và khó chữa trị hơn gấp nhiều lần, do chúng ta ko thể cạo sạch hoàn toàn vết bệnh ở bộ rễ khi chúng nằm sâu dưới mặt đất. Đối với một người chủ vườn có tâm, việc để ý 1 vài cây trong vườn đột ngột kém phát triển, thậm chí bộ lá xuống màu & không ra đọt – Đó có thể là 1 cơ hội để nhận biết bệnh xì mủ, thối rễ.
Đặc thù sự tiến triển của bệnh xì mủ đều diễn ra âm thầm. Mọt đục cành lén lút ăn luồn sâu vào bên dưới lớp vỏ, tuyến trùng với kích thước siêu bé nhỏ ko thể nhìn thấy bằng mắt thường, nấm Phytophthora ăn luồng trong mạch nhựa, làm thối hư cả một vùng rộng lớn, nhưng khi vết bệnh trở nên rất trầm trọng thì mới biểu hiện xì mủ ra bên ngoài. Chính vì đặc tính lặng lẽ này mà bệnh xì mủ được mệnh danh là một căn bệnh ung thư quái ác. Chúng ta thường khó nhận biết bệnh này từ đầu. Nhưng sẽ dễ dàng hơn nếu bà con mình đi thăm vườn từ sáng sớm, vị trí bệnh sẽ tươm nước trên thân. Đó là biểu hiện phản vệ của cây trồng trước tác nhân gây bệnh từ bên ngoài, vì vậy ta có thể nhận biết ban đầu khi cây có bệnh.
Giải pháp phòng ngừa bệnh nứt thân xì mủ trên sầu riêng:
Do nấm phytop có nguồn gốc từ trong đất, nên việc làm cây khoẻ & quản lý tốt môi trường đất, đất tơi xốp thoát nước tốt, hạ thấp mực nước ngầm, sẽ giúp chúng ta hạn chế sự phát triển của chúng. Sử dụng phân đạm hợp lý, tăng cường bón hữu cơ, tránh tình trạng dư thừa phân đạm quá nhiều trong canh tác, sẽ làm đất thoái hoá, giảm pH và suy yếu cây. Môi trường pH thấp không chỉ làm hại cây trồng, mà còn là điều kiện thuận lợi để nấm bệnh phát triển, vì thế, việc bón vôi cải tạo pH và khử trùng đất là 1 cách để ức chế nấm Phytophthora. Không chỉ vậy, sử dụng các loài nấm đối kháng như Trichoderma là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu để khắc chế nấm bệnh gây xì mủ và cả loài tuyến trùng độc hại.
Bên cạnh đó, hãy áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp đúng cách để cây trồng có sức đề kháng tốt, chống lại với sâu bệnh hại và điều kiện bất lợi từ môi trường. Và cuối cùng, áp dụng các biện pháp phun ngừa vào đầu, giữa và cuối mùa mưa sẽ giúp hạn chế cây bệnh. Thăm vườn thường xuyên để phát hiện bệnh từ sớm, sẽ dễ điều trị hơn. Nếu như phát hiện cây bị bệnh xì mủ, tiến hành xử lý cạo sạch vỏ bệnh và quét thuốc đặc trị ngay, không được chậm trễ, vết bệnh ăn lan giáp thân là chết cả cây.
Nguồn: Nhật Ký Nông Nghiệp
Kết hợp với thuốc trừ bệnh G-Biomix Crop TRIBE để đặc trị thối rễ, xì mủ cây trồng. Sản phẩm được phân phối bởi Công ty TNHH Green Biomix.