Trị bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi không lo tái phát

Trị bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi. Ông Nguyễn Văn Đầy (Đồng Tháp) có hàng chục năm trong nghề trồng quýt hồng và có nhiều kinh nghiệm về quy trình khắc phục hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây quýt hồng vô cùng thành công, giúp cây từ suy yếu trở lại khỏe mạnh 100% và  cho năng suất cao. Đặc biệt, dịp Tết Qúy Mão 2023 này, vườn quýt nhà ông sẽ mở cửa đón khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh.

Ông Nguyễn Văn Đầy bên vườn quýt hồng đã phục hồi lại 100% và cho năng suất cao trong dịp Tết Quý Mão 2023. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ông Nguyễn Văn Đầy bên vườn quýt hồng đã phục hồi lại 100% và cho năng suất cao trong dịp Tết Quý Mão 2023. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cách đây 2 năm, vườn quýt được 6 năm tuổi, có biểu hiện kém phát triển, xuất hiện bệnh vàng lá, thối rễ khá nặng với tỉ lệ trên 50% số cây bị bệnh, có nguy cơ đốn bỏ cả vườn. Kết quả kiểm tra cho thấy đất vườn có độ pH 3,61, cây bị nhiễm nấm Fusarium cấp 4 – 5, chiếm 95% vườn, nhiễm nấm Phytophthora cấp 1 – 3.

Do quen sử dụng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật nên thổ nhưỡng của vườn quýt dần bạc màu, đất chai sạn, kém dinh dưỡng… Đây là một trong những nguyên nhân khiến quýt dễ nhiễm dịch bệnh, gây ra thiệt hại. Hậu quả, sản lượng quýt hồng vườn ông Đầy mỗi năm một giảm, nhiều gốc bị chết xanh.

“Lúc đó tôi định đốn bỏ một số quýt để trồng bưởi vì năm nào cũng lỗ. May mắn, lúc đó tỉnh triển khai đề án phục hồi nên tôi đăng ký tham gia thử nghiệm”, ông Đầy chia sẻ.

Để vườn quýt được “tái sinh”, ông Đầy thực hiện các biện pháp cải thiện đất, xẻ rãnh xương cá để tránh úng nước cho cây trong mùa mưa, xới đất lên cho tơi, xốp, tận dụng rơm và phân bò tạo thành loại phân hữu cơ bón cho cây có múi.

Trị bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi không lo tái phát. Về giải pháp thực hiện, trước nhất ông Đầy cho cải thiện đất như: Xeo đất độ sâu 35 – 40cm ở liếp vào cuối tháng Giêng (hay tháng 2 – 3 dương lịch) để ít làm tổn thương cây. Bón vôi 250 – 500g/cây (tùy tuổi cây); 5 – 10kg trấu, 2 – 4kg tro trấu cho mỗi gốc, Dolomite (Calmag) 200-300g/gốc (tùy tuổi cây). Bón phân hữu cơ (rơm mục, phân bò, TRICHODERMA) đã ủ hoai 30 – 50kg/gốc/năm.

Về quản lý bệnh, cho xử lý chế phẩm sinh học TRICO, 3 tháng/lần (trị bệnh) và 4 – 6 tháng/lần (phòng bệnh), tốt nhất nên trộn sản phẩm TRICO với phân hữu cơ đã hoai, kết hợp với phân hữu cơ chứa Humat, nếu vườn có cả 2 – 3 loại bệnh trên thì không nên sử dụng cùng lúc cả 3 loại sản phẩm mà nên cách nhau từ 7 – 10 ngày, hạn chế sử dụng thuốc trừ nấm bệnh chung với các sản phẩm TRICO, nếu sử dụng nên xử lý cách nhau khoảng 7 – 10 ngày.

Khâu chăm sóc vườn, quan trọng là khâu bón phân để xử lý ra hoa từ sau xiết nước, lúc tưới trở lại (từ tháng 2 – 3 âm lịch), bón phân theo tỷ lệ  2 đạm – 3 lân – 2 kali (37gram Ure + 131gram DAP + 67 gram Clorua kali/gốc hay 86gram Ure + 375gram Super Lân + 66gram Clorua kali/gốc). Sau 7 – 10 ngày bón 120 – 150gram Dolomite (Calmag)/gốc để ổn định pH và cung cấp canxi, magie cho cây.

Ở giai đoạn trái non, sau ra hoa đến trái non nhỏ hơn 5cm, bón 1 lần theo tỷ lệ  3 đạm – 3 lân – 2 kali (65gram Ure + 140gram DAP + 62gram Clorua kali/gốc hay 121gram Ure + 400gram Super Lân + 63gram Clorua kali/gốc kết hợp 500g Fertisoa/gốc). Sau 7 – 10 ngày bón 150 – 200g Dolomite (Calmag)/gốc để ổn định pH và cung cấp canxi, magie cho cây.

Giai đoạn trái phát triển từ lớn hơn 5cm đến 2 tháng trước thu hoạch, bón cách 2 – 2,5 tháng/lần theo tỷ lệ 3,75 đạm – 3 lân – 2 kali (118gram Ure + 160gram DAP + 69 gram Clorua kali/gốc hay 180gram Ure + 460g Super Lân + 69g Clorua kali/gốc kết hợp 750g Fertisoa/gốc). Sau 7 – 10 ngày bón 150 – 200g Dolomite (Calmag)/gốc để ổn định pH và cung cấp canxi, magie cho cây.

Giai đoạn trái trưởng thành đến chín: Từ 1,5 – 2 tháng trước khi hái, bón 1 lần theo tỷ lệ 2 đạm – 2 lân – 3,5 kali (25gram Ure + 40g DAP + 55 gram Clorua kali/gốc hay 40gram Ure + 120gram Super Lân + 55gram Clorua kali/gốc). Lưu ý: Không kết hợp bón vôi và Calmag cùng lúc với phân hóa học có chứa đạm vì canxi sẽ làm thất thoát đạm, cần bón cách nhau tối thiểu 7 ngày.

Về mặt chăm sóc, đặt bẫy màu vàng nghệ nhằm theo dõi mật số rầy chổng cánh và rầy mềm ở các đợt ra đọt non để có biện pháp phòng trị kịp thời. Tỉa cành tạo tán giúp thông thoáng, vệ sinh gần gốc (cách gốc ít nhất 50cm) để hạn chế bệnh do nấm Phytophthora. Trồng các cây có mùi như sả để xua đuổi côn trùng, tuyến trùng, đồng thời tạo độ thoáng cho đất và có nguồn phân xanh để ủ phân hữu cơ cho vườn.

Kết quả, độ pH đất tăng, cây phục hồi tốt, đến năm nay gần như phục hồi hoàn toàn, năng suất cao trở lại, đợt mưa dồn dập cuối mùa năm nay cây quýt không bị nứt trái và rụng trái như trước đây. Sử dụng phân hữu cơ là căn bản, sử dụng đúng giai đoạn và số lượng sẽ giúp giảm rất nhiều vấn đề, ít sâu bệnh, giảm tỉ lệ cây chết do thối rễ, giảm chi phí thuốc BVTV, giảm phân bón hóa học, tăng chất lượng trái quýt, tăng tuổi thọ cây quýt, đặc biệt an toàn cho môi trường, an toàn cho người sử dụng.

(Bài viết được tham khảo trên báo Nông Nghiệp)

Sản phẩm sinh học phòng trừ hiệu quả bệnh vàng lá thối rễ trên cây ăn trái, hiệu quả cao, hiệu lực kéo dài, an toàn và không kháng thuốc.

Sản phẩm được phân phối bởi Công ty TNHH Green Biomix.