Các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng. Bài viết đề cập đến các yếu tố dinh dưỡng, cũng như khả năng đối kháng qua lại giữa chúng khi mất cân bằng. Từ đó, giúp chúng ta có cách nhìn khái quát hơn và có hướng quản lý dinh dưỡng một cách phù hợp nhất.
Mỗi dưỡng chất khoáng có những chức năng chuyên biệt và cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Khi canh tác loại cây nào cần tìm hiểu nhu cầu cũng như triệu chứng thiếu, thừa về mặt dinh dưỡng của chúng để quản lý tốt tình trạng cây. Các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng.
- Chất đạm (N): Cây trồng hấp thụ N ở dạng NO3-, NH4+; có nhiệm vụ là giúp cho sự tăng trưởng lá và lá có màu xanh (N là cấu trúc của diệp lục tố). Đạm rất dễ bị rửa trôi, nhất là dạng NO3-. Chất N có thể di động từ lá già đến lá non. Thiếu N cây tăng trưởng kém, lá có màu xanh nhạt hay vàng, đâm tược kém; triệu chứng thiếu xuất hiện đầu tiên ở lá già. Cây thừa N sẽ có lá màu xanh đậm, dày, bóng, đậu trái kém; và xảy ra tình trạng thiếu calcium. Bón N tốt nhất có tỉ lệ NH4+/NO3- là 1/1, bón nhiều NH4+ có thể làm lá cong vẹo. Bón lân nhiều ngăn cản hấp thụ N. Bón Kali và N theo tỉ lệ 1/1 là tốt nhất cho sự hấp thụ N.
- Chất lân (P): Cây hấp thụ P chủ yếu ở dạng H2PO4–, HPO42-. Lân thúc đẩy sự hình thành và phát triển của rễ; giúp cây ra hoa nhiều và có chất lượng trái tốt; tăng cường khả năng kháng bệnh cho cây. Lân không bị rửa trôi khỏi đất. Trong cây, P di động từ lá già đến lá non. Thiếu P cây sinh trưởng kém; lá có màu xanh đậm; lá già có màu tím hay đỏ, nhất là dọc theo gân ở mặt dưới lá; lá có thể bị biến dạng, cành mảnh khảnh, rễ phát triển kém. Cây thừa P sẽ bộc lộ triệu chứng thiếu dưỡng chất kẽm, sắt. Ở đất chua, P rất dễ bị cố định bởi sắt, măngan, và nhôm. Bón nhiều P làm giảm hấp thụ vi lượng và N. So với N và K thì nên bón P với lượng ít hơn.
- Chất Kali (K): Cây hấp thụ K ở dạng K+. Kali giúp cây kháng hạn, kháng bệnh, làm cho cây cứng chắc. Kali rất dễ bị rửa trôi ra khỏi đất. Trong cây, K di động từ lá già đến lá non. Thiếu K cây sinh trưởng kém, lá mọc xúm xít do đốt ngắn; lá già có những đốm hoại tử và bìa lá trở nên mất màu, cháy khô; đâm tượt kém và tượt non có khuynh hướng héo teo lại; rễ phát triển kém, thân yếu ớt. Cây thừa K sẽ thiếu N và làm giảm sự hấp thụ Ca và Mg. Bón N cao/K thấp thích hợp cho sự phát triển của thân lá; Bón N thấp/K cao thúc đẩy sự sinh sản (hoa, trái); Bón nhiều Ca làm trở ngại sự hấp thụ K.
- Chất Magnesium (Mg): Chất Mg được cây hấp thụ ở dạng Mg2+, là cấu trúc của diệp lục tố giúp lá có màu xanh. Chất Mg rất dễ bị rửa trôi khi đất có nhiều cát. Trong cây, Mg di động từ lá già đến lá non. Thiếu Mg cây sinh trưởng kém; lá già có màu vàng, màu đồng hoặc màu đỏ ở phần thịt lá nhưng gân lá vẫn còn xanh; bìa lá có thể bị cong xuống hoặc dủm lên với những nếp nhăn nheo. Cây thừa Mg sẽ ít hấp thụ ít Ca; lá già có những đốm bị hoại tử, những gân nhỏ của lá già nầy có thể chuyển sang màu nâu. Chất Mg thường bị thiếu trong cây vì chất nầy rất dễ bị rửa trôi. Bón phân vôi Dolomite hoặc phun phân MgCl2 lên lá cũng giúp cây khắc phục được triệu chứng thiếu Mg.
- Chất calcium (Ca): Cây hấp thụ Ca ở dạng Ca2+. Chất Ca cũng dễ bị rửa trôi ra khỏi đất. Trong cây, Ca không di động từ lá già đến lá non. Chất Ca cần thiết cho sự phát triển của chồi và chóp rễ; giúp cây giảm sự ngộ độc của nhôm và mangan; và kháng lại nấm bệnh (làm vững chắc vách tế bào). Thiếu Ca, chồi non không phát triển được; rễ có thể chuyển sang đen và thối đi; lá non bị cong dủm lên, có màu xanh bất thường và chóp lá có thể dính lại nhau; lá già cũng bị cong dủm lên; trái bị thối ở phần dưới đáy; thân yếu ớt; trái rụng sớm. Thừa Ca, cây không hấp thụ được Mg. Đất ở vùng nhiệt đới, mưa nhiều hay bị thiếu Ca do đất chua và rửa trôi dẫn đến cây không hấp thụ được Ca. Bón vôi dạng đá vôi nghiền mịn hay đá vôi nung hoặc phun qua lá CaCl2 có thể khắc phục tình trạng thiếu Ca.
- Chất lưu huỳnh (S): Cây trồng hấp thụ S ở dạng SO42-; dễ bị rửa trôi. Chất S không di động trong cây. Hầu hết đất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long có rất nhiều S ở dạng hữu dụng, cây trồng không bị thiếu dưỡng chất nầy.
- Các chất vi lượng: Dưỡng chất vi lượng là dưỡng chất mà cây trồng cần một lượng nhỏ; tuy cây trồng cần ít nhưng nó vô cùng quan trọng vì các chất này có trong thành phần cấu tạo của các men xúc tác hoặc thúc đẩy các men hoạt động, giúp cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Thiếu vi lượng cây phát triển không bình thường, dễ bị nhiễm bệnh. Thiếu vị lượng, thành phần các chất trong cây không cân đối, làm ảnh hưởng đến chất lượng. Dưỡng chất vi lượng cây trồng cần gồm các chất cơ bản như: sắt (Fe), đồng (Cu), kẽm (Zn), mangan (Mn), Boron (Bo), molybden (Mo) và Chlorine (Cl). Thiếu Fe làm cho lá non bị vàng do không tổng hợp được diệp lục tố; Thiếu Cu, đọt non mới ra nhỏ và thịt lá bị vàng; Thiếu Zn lá non nhỏ lại đôi khi không có phiến lá, thịt lá vàng gân lá còn xanh, mọc xúm xít lại nhau; Thiếu Mn làm cho lá non có sọc, bị vàng phần thịt lá và gân lá còn xanh; Thiếu B gây ra chết chồi non, cây thụ tinh kém, không có hạt.
Ở nhiều nơi, hầu hết các chất vi lượng trong đất ở dạng hữu dụng cho cây như Fe, Cu, Zn, Mn, B (ngoại trừ Mo). Tuy nhiên, trong điều kiện thâm canh bón nhiều N, P và K qua nhiều năm đã dẫn đến sự mất cân đối dưỡng chất trong đất, làm cây khó hấp thụ các chất vi lượng nầy. Phun phân qua lá là biện pháp khắc phục tình trạng thiếu dưỡng chất vi lượng rẻ tiền và hiệu quả nhất.
Các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng. Ngoài các yếu tố dinh dưỡng khoáng như trên, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến độ phì của đất. Trong bón phân cần có sự cân đối giữa hữu cơ và vô cơ. Cần quan tâm yếu tố “đất sống”, sự hiện diện của các sinh vật/vi sinh trong đất. Đồng thời cần tạo các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng.
>>>Sản phẩm: Đặc trị thối rễ ; Phòng bệnh sinh học
Tham khảo thêm tại Công ty TNHH Green Biomix
Pingback: Canh tác bền vững, tập hợp các bài viết hay GBM - GreenBioMix