Tạo tán tỉa cành, lợi thì có lợi nhưng cần lưu ý

Tạo tán tỉa cành, yếu tố quan trọng trong làm vườn. Đối với cây chưa cho trái (kiến thiết): thân, cành, lá chưa nhiều trong khi bộ rễ mạnh, không nên cắt quá nhiều (trên 30% số cành). Vì sẽ ảnh hưởng đến khả năng quang hợp, khả năng sinh trưởng của cây. Giai đoạn trưởng thành: hệ thống thân, cành lá cân bằng với bộ rễ nên có thể cắt tỉa nhiều hơn. Trường hợp cây già cỗi: hệ thống rễ không đủ khả năng nuôi cây thì càng phải cắt tỉa mạnh hơn. Trong điều kiện thời tiết, thủy văn bất lợi (nắng, mặn, hạn) cũng cần phải cắt tỉa nhiều.

“Uốn nắn” là chính chứ không phải “cắt bỏ” là chính. Biện pháp “cắt bỏ” nói cho cùng là một biện pháp tiêu cực. Nếu không nắm rõ kỹ thuật cắt thường sẽ gây hại nhiều hơn. Dễ dẫn đến cắt bỏ một bộ phận cành lá có thể cho quả mà chúng ta tốn nhiều công chăm sóc. Do đó, khi cắt bỏ chúng ta nên cắt thận trọng. Cây non chúng ta chỉ nên cắt rất ít. Mùa đông hoặc mùa khô khi cây ngừng sinh trưởng thì cắt nhiều. Mùa mưa khi cây mọc mạnh cần cắt ít.

Cây trồng giai đoạn kiến thiết chủ yếu là phát triển rễ, hình thành thân chính, khung cành lá. Giai đoạn này cây còn nhỏ, các bộ phận còn non ít khi có vấn đề che lấp ánh sáng. Thời kỳ này cần hạn chế cắt cành đến mức tối thiểu, chỉ nên lấy mầm hoặc cắt ngọn. Cây non hầu hết các loại cây trồng đều không chịu được cắt. Cắt đi một bộ phận cành lá là vạn bất đắc dĩ. Nên dùng biện pháp bấm ngọn, vít cành (nâng lên hoặc hạ xuống).

Trong giai đoạn đầu không nên cho quả sớm. Đây là giai đoạn tạo bộ rễ, phát triển khung cành lá. Theo quy luật, cây tốt được chăm sóc đúng cách thì không ra hoa quả sớm, khi cây già yếu thì mới ra quả sớm. Cho ra quả sớm làm giảm tuổi thọ cây, đồng thời ảnh hưởng sản lượng về sau.

Lợi ích của việc tạo tán tỉa cành ở cây ăn trái

Tạo tán tốt giúp các cành cây được phân bổ và định hướng tốt. Chúng sẽ có một không gian đầy đủ ánh sáng, tạo điều kiện cho lá tiếp xúc tốt với ánh sáng, và không khí. Nhờ vậy nâng cao tổng số diện tích lá hữu hiệu và tăng cường quang hợp. Qua đó, cải thiện tính hữu hiệu của việc sử dụng nước, cũng như chuyển đổi các chất dinh dưỡng của cây. Không gian thông thoáng cũng giúp hạn chế sâu bệnh.

Đồng thời, với bộ khung vững chắc giúp cây hạn chế đổ ngã khi xảy ra có mạnh, mưa bão. Cân bằng giữa tăng trưởng và sự cho trái, tăng cường sức chống chịu với các điều kiện bất thuận. Kết quả là cây cho trái sớm, năng suất và chất lượng trái được nâng cao. Tránh được tình trạng cây ra trái cách năm hoặc cho trái thưa thớt.

Dù là cây chịu được bóng râm nhưng chỉ cần giảm ánh sáng còn 30% so với tự nhiên là cây mọc yếu, chất lượng cũng như sản lượng sẽ giảm hẳn. Do đó, mục tiêu của tỉa cành cũng chính là loại bỏ được những lá thừa, quang hợp ít, che lấp ánh sáng của những cành khỏe.

Tham khảo một số cách tạo tán cho vườn cây.

Tùy theo kinh nghiệm mỗi nhà vườn mà chúng ta có cách vận dụng sao cho phù hợp.

Dạng tán mở ở trục trung tâm. Nhóm cây có thể tạo tán mở từ trục trung tâm là nhóm cây cho trái ở chồi tận cùng như xoài, chôm chôm, nhãn. Cách này cũng có thể áp dụng cho cây có múi. Đối với nhóm cây này, việc tạo tán được thực hiện ngay giai đoạn kiến thiết cơ bản. Trong năm đầu, khi cây cao khoảng 60-70 cm thì cắt ngọn thân chính. Từ thân chính sẽ mọc ra các cành khung (cành cấp 1), chọn ra 3-4 cành cách nhau 15-20cm theo các hướng khác nhau. Nếu các cành khung trên thân chính cách nhau quá gần thì sau này lớn lên sẽ hình thành những chẻ 3 không có lợi (dễ gãy giai đoạn mang quả).

Trong năm thứ 2, tiếp tục cắt ngọn các cành cấp 1. Từ cành cấp 1 sẽ tiếp tục các cành, chọn ra 3-4 cành cấp 2 phân bố đều. Việc cắt ngọn các cành cấp 2 tiếp tục được lặp lại trong năm thứ 3. Sau 3 năm, cây sẽ có từ 27- 36 cành. Tạo ra tán tròn và phân bố đều với các chồi cho trái tiếp xúc đầy đủ với ánh sáng.

Tán dạng trục trung tâm. Gồm một số cây tiêu biểu như sầu riêng, măng cụt, bòn bon. Đây là nhóm cây cho trái trên thân, cành. Đối với các loại cây này chỉ để một ngọn. Khoảng cách trên thân chính của các cành nên để thưa (8-10cm). Khi cây lớn, khoảng cách không nên để dưới 30cm. Cành đầu tiên kể từ mặt đất phải cao hơn 70cm. Cần tuân thủ nguyên tắc cân đối giữa chiều cao cây với đường kính tán cây. Cần có sự cân đối giữa hệ thống rễ với bộ phận hệ thống thân lá.

Nếu chiều cao cây quá cao (lớn hơn đường kính tán), rễ không cung cấp dinh dưỡng sẽ đủ để nuôi ngọn cây, lúc này cần cắt đọt cây. Khi chiều cao cây cao hơn đường kính tán khoảng 1,5 – 2 mét, thì tiến hành cắt đọt để cố định chiều cao cây tương đương với đường kính tán cây. Việc cắt đọt để cố định chiều cao cây sớm (chiều cao cây thấp hơn đường kính tán) hoặc trễ quá (chiều cao cây lớn hơn đường kính tán) đều ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất của cây.

Với cây có tán dạng trục trung tâm. Cần giữ cho các cành cấp 1 mọc đều quanh thân, khoảng cách giữa các cành cấp 1 khoảng 20 cm. Tỉa bỏ những cành mọc quá gần nhau để tránh xảy ra tình trạng cạnh tranh ánh sáng. Được như thế, cây mới đủ sức mang trái, hạn chế thiệt hại bởi đổ ngã do mưa bão.

Ngoài biện pháp tạo tán như các thông trên, chúng ta cũng có thể thực hiện giải pháp kéo tàn (vít cành), giúp các cành phân bố đều hơn trong không gian.

>>>Sản phẩm: Đặc trị thối rễ ; Phòng bệnh sinh học

Tham khảo thêm tại Công ty TNHH Green Biomix

One thought on “Tạo tán tỉa cành, lợi thì có lợi nhưng cần lưu ý

  1. Pingback: Canh tác bền vững, tập hợp các bài viết hay GBM - GreenBioMix

Comments are closed.